Categories
Tin tức

Người đầu tiên chế tạo thành công máy in cuốn Flexo

Lần đầu tiên người VN thiết kế, chế tạo thành công máy in cuốn công nghệ Flexo dùng cho ngành in, sản xuất giấy vở học sinh, bao bì. Chủ nhân của chiếc máy in này là kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa – Giám đốc Công ty Cơ khí Quốc Hòa (Thái Bình). Công trình của anh đã giành giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ VN năm 2005.

Tại VN, ngành giấy vở vẫn chủ yếu sử dụng các máy kẻ dòng bán thủ công lạc hậu. Trước đây, đã có một vài máy in cuốn được nhập dưới dạng viện trợ nhưng vì nhiều lý do chúng hoạt động không thường xuyên. Gần đây một số doanh nghiệp nhập máy in cuốn nhưng với giá rất cao 2,5 tỷ đồng với máy qua sử dụng và hơn 14 tỷ đồng nếu là máy mới.
Khi cơ chế mới mở ra, Nguyễn Quốc Hòa thành lập xí nghiệp sản xuất giấy vở. Đầu năm 2000, Quốc Hòa đã thiết kế chế tạo ra máy cắt kẻ tự động liên hoàn, kẻ – cắt tờ trực tiếp trên cuộn giấy. Chiếc máy của Hòa được ví như cuộc cách mạng của ngành sản xuất giấy vở nước ta, vì chưa có nhà máy cơ khí ngành in nào tại VN chế tạo thành công máy cắt cuộn mà hoàn toàn phải mua của nước ngoài. Loại máy này đã nhanh chóng được các nhà sản xuất giấy vở trong nước sử dụng. Nhưng chiếc máy này vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm.

9DSC04387

Một điều không may ập đến, cũng chính năm 2000, xí nghiệp của Hòa bị thua lỗ, toàn bộ tiền bạc và nhà cửa Hòa phải dồn trả ngân hàng mà chưa hết nợ. Nguyễn Quốc Hòa lại bắt đầu “làm lại cuộc đời” từ việc lập tổ cơ khí hàn chuồng gà, chuồng vịt, dậu sắt, cánh cổng… Có điều, ngay cả những lúc bi kịch nhất, trong đầu Hòa cũng không rời hình ảnh chiếc máy in cuốn tự động.

Năm 2002, Nguyễn Quốc Hòa, trong điều kiện vẫn còn hết sức khó khăn về vốn đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu thiết kế và chế tạo máy in cuốn tự động đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ in Flexo – một công nghệ đang được dùng rộng rãi để in các chủng loại sản phẩm có số lượng xuất bản rất lớn như vở viết, sổ tay, nhãn hàng hóa, phong bì, các loại hộp…
Hầu như đêm nào Hòa cũng âm thầm, lặng lẽ làm việc từ 1 đến 4 giờ sáng trên máy vi tính. Sau hơn một năm nghiên cứu, đến năm 2003 Nguyễn Quốc Hòa đã chế tạo thành công chiếc máy in cuốn.
Tuy vậy, ba chiếc máy đầu tiên, bán rồi phải nhận lại vì chạy thử thì tốt nhưng vận hành sản xuất liên tục thì vẫn còn những vấn đề kỹ thuật cần giải quyết tiếp. Phải đến tháng 4-2004, những chiếc máy in cuốn đủ tiêu chuẩn kỹ thuật mới lần đầu tiên được thiết kế và chế tạo ở VN.

Đây là máy in cuốn nhưng lại thay đổi được các lô bản, từ đó thay đổi kích thước của tờ in. Điều này cho phép trên một máy cuốn vẫn có thể in ra các loại sản phẩm khác nhau. Việc tháo lắp thay đổi ống bản rất đơn giản thuận tiện.
Giá bán máy in cuốn Quốc Hòa chỉ bằng 1/3 giá thành của máy nhập khẩu từ Trung Quốc và chỉ bằng 1/2 giá thành của máy in offset (đã qua sử dụng) cùng kích thước tờ in. Tỷ lệ của phụ tùng ngoại được lắp trên máy chỉ chiếm khoảng 10%.

Qua thực tế sản xuất tại các đơn vị sử dụng máy in cuốn Quốc Hòa thì cứ 1 tấn giấy đã tiết kiệm được 600.000 đồng chi phí cho nguyên liệu giấy, nhân công, điện, mực in… Trung bình mỗi năm chỉ riêng ngành sản xuất giấy vở học sinh đã sử dụng hết khoảng 40.000 tấn giấy cho in giấy vở học sinh thì ít nhất cũng đã tiết kiệm được vài chục tỷ đồng. Nếu tính cả nhiều ngành khác cũng sử dụng máy in cuốn như bao bì, in biểu mẫu, nhãn mác… thì con số tiết kiệm được sẽ lớn hơn nhiều.

Theo Tiền phong

Trả lời